TP HCM siết xây cao ốc để 'cứu' giao thông
Thành phố siết chặt việc xây cao ốc với điều kiện dự án không gây kẹt xe mới được triển khai, sau nhiều năm "thả nổi" khiến hạ tầng giao thông quá tải.
Sáng 10/5, dòng ôtô, xe máy chạy kín đường Phổ Quang (quận Tân Bình), chậm chạp di chuyển vào trung tâm thành phố. Nằm ở cửa ngõ sân bay Tân Sơn Nhất, con đường chỉ dài gần hai km, rộng khoảng 8 m, nhiều năm không được mở rộng, song có đến 15 cao ốc với hàng chục nghìn căn hộ, khách sạn, văn phòng cho thuê...
Xe chạy kín mặt đường Phổ Quang, quận Tân Bình, sáng 10/5.
Lớn nhất trên tuyến này là khu chung cư cao cấp quy mô 4 block cao 16 tầng ngay sát đường, với gần 500 căn hộ, đưa vào khai thác khoảng 5 năm nay. Gần đó là các khu nhà 8-10 tầng cùng một bệnh viện nên luôn đông người qua lại. Giờ tan tầm, khi lượng xe tập trung đông, phương tiện liên tục ra vào các toà nhà khiến không gian trở nên ngột ngạt.
Tình trạng "kẹt xe do cao ốc" còn xảy ra trên các tuyến đường nhiều chung cư cao tầng mọc lên rất nhanh, khiến hạ tầng không theo kịp, như: Nguyễn Hữu Thọ đoạn qua cầu Kênh Tẻ (nối quận 4 và 7), Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Nguyễn Thị Minh Khai (quận 1), Mai Chí Thọ (TP Thủ Đức), Bến Vân Đồn (quận 4)... Thống kê, toàn thành phố hiện có hơn 1.000 tòa nhà cao 25-100 m, tập trung ở quận 1, 3, 5, 7 và TP Thủ Đức dẫn tới hạ tầng một số nơi quá tải.
Thống kê đến cuối năm 2021, tỷ lệ đất giao thông trên đất xây dựng đô thị tại TP HCM chỉ gần 13%, kém khoảng 10% so với quy chuẩn. Tổng chiều dài các tuyến đường ở thành phố hơn 4.500 km, mật độ 2,26 km trên một km2, chỉ bằng 1/5 quy chuẩn. Các chỉ tiêu như mật độ đường tỷ lệ diện tích đất giao thông/diện tích đất xây dựng đô thị của TP HCM đều thấp hơn các thành phố tương đồng, đang phát triển như Bangkok, Đài Bắc, Singapore...
TS Nguyễn Hữu Nguyên (Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam), nói nguyên nhân chính dẫn đến hạ tầng quá tải là do quy hoạch đô thị và giao thông thiếu thống nhất, chưa có sự điều phối chung giữa các cơ quan quản lý. Ngành xây dựng cấp phép dự án dựa trên chỉ tiêu như quy hoạch, hệ số sử dụng đất, quy mô tầng cao... Tuy nhiên, việc kết nối công trình với bên ngoài lại thiếu đồng bộ lĩnh vực khác như giao thông.
Hệ luỵ là nhiều cao ốc, chung cư vẫn được "cắm" ở những nơi hạ tầng quá tải hoặc chưa kịp đầu tư. Nhiều công trình giao thông mới triển khai, dự án bất động sản đã "đón đầu", xây ồ ạt. Trong khi việc mở rộng các tuyến đường sau này, theo ông Nguyên sẽ rất khó bởi giá đất tăng, thành phố muốn giải phóng mặt bằng phải bỏ kinh phí "khổng lồ" và không nguồn ngân sách nào có thể kham nổi.
"Mật độ xây dựng tăng quá nhanh kéo theo gia tăng dân số và nhu cầu đi lại, trong khi không gian công cộng lại giảm, ảnh hưởng chất lượng sống người dân...", ông Nguyên nói.
Nhiều dự án căn hộ mọc lên dày đặc sẽ gây áp lực giao thông cho khu Nam TP HCM.
Theo Sở Giao thông Vận tải thành phố, từ trước đến nay cơ quan này dựa vào tính chất, quy mô dự án và hạ tầng hiện hữu đề nghị các bên xem xét trước khi duyệt chứ không thể yêu cầu ngưng triển khai. Đặc biệt, với các dự án đã được chấp thuận đầu tư, duyệt quy hoạch tỷ lệ 1/500, việc đánh giá tác động chỉ có ý nghĩa xem xét, đề xuất biện pháp giảm tiêu cực nên chỉ giải quyết "phần ngọn".
Để chấm dứt tình trạng hạ tầng không theo kịp tốc độ xây dựng cao ốc, đầu tháng 5, UBND thành phố quy định tất cả dự án xây dựng cần có phương án kết nối giao thông, tính toán nhu cầu đi lại phát sinh. Những công trình lớn phải bổ sung đánh giá tác động giao thông từ khi quy hoạch, lập dự án, để xác định quy mô đầu tư và đưa ra các biện pháp giảm tiêu cực...
Việc đánh giá tác động giao thông sẽ dựa vào quy mô, diện tích dự án. Trong đó, chung cư hoặc khu nhà thấp tầng; nhà nghỉ, khách sạn, diện tích sàn tối thiểu 50.000 m2, trường học, bệnh viện, trung tâm thương mại, siêu thị, từ 10.000 m2. Riêng công trình xây nhà hàng, tiệc cưới, diện tích tối thiểu từ 5.000 m2, văn phòng làm việc từ 15.000 m2... Nếu đánh giá không đạt yêu cầu, dự án sẽ không được đầu tư, hoặc triển khai theo giai đoạn để phù hợp thực tế.
Về phạm vi, dự án ở nội thành sẽ đánh giá tác động trong bán kính 0,5 km, gồm các quận: 1, 3, 4, 5, 6, 7, 8, 10, 11, 12, Phú Nhuận, Bình Thạnh, Tân Bình, Gò Vấp, Bình Tân, Tân Phú, TP Thủ Đức. Khu vực ngoại thành bán kính 0,3 km, gồm các huyện: Hóc Môn, Bình Chánh, Nhà Bè, Củ Chi và Cần Giờ.
Giám đốc Sở Giao thông Vận tải thành phố Trần Quang Lâm cho biết việc đánh giá tác động nhằm quy định loại công trình tập trung đông người có nhu cầu giao thông lớn, khi xây dựng phải xem xét mức độ đáp ứng hạ tầng giao thông xung quanh. Điều này làm cơ sở để chọn thời điểm, quy mô xây dựng phù hợp hoặc bổ sung hạ tầng giao thông đồng bộ.
Việc đánh giá sẽ thực hiện ở giai đoạn nhà đầu tư xin chủ trương đầu tư dự án để xác định quy mô dự án. Nhà đầu tư có thể tổ chức lập hoặc thuê đơn vị tư vấn cũng như chịu trách nhiệm về tính chính xác của số liệu và chất lượng báo cáo.
KTS Ngô Viết Nam Sơn nói yêu cầu đánh giá tác động giao thông đối với các tòa nhà cao tầng là cần thiết và đúng ra phải được thực hiện từ lâu để bảo đảm sự đồng bộ trong quy hoạch đô thị. Lâu nay, việc cấp phép cho các cao ốc chủ yếu theo quy hoạch hạ tầng tương lai chứ không phải hiện hữu, dẫn đến hệ luỵ kẹt xe, ô nhiễm, ngập nước...
Theo ông Sơn, về nguyên tắc hạ tầng phải có trước đô thị, do vậy những khu vực mật độ xây dựng đã quá lớn, giao thông chưa đủ đáp ứng thì không cấp phép công trình mới. Trường hợp vẫn muốn xây dựng, nhà đầu tư phải bỏ thêm kinh phí làm đường kết nối, đáp ứng nhu cầu đi lại không chỉ ở phạm vi dự án mà cả bên ngoài....
"Nhà đầu tư làm xong dự án sẽ bán rồi rời đi, nhưng nếu xung quanh bị ảnh hưởng, ngân sách phải chạy theo khắc phục là chưa công bằng", ông Sơn nói và đề xuất thành phố cần có quy chế cụ thể trong cấp phép xây dựng để đảm bảo sự thống nhất của các lĩnh vực. Bên cạnh đánh giá tác động do chủ chủ đầu tư thực hiện, cần thêm một đánh giá khác từ cơ quan chuyên ngành đảm bảo khách quan.
Theo Vnexpress.net
Hello World! https://nnw4t1.com?hs=5b2ee3aad27f4b4d8c0017bab4afd605&