Những "thế lực" trong làng bất động sản
Những "thế lực" trong làng bất động sản
Trong bối cảnh tín dụng cho BĐS đang đếm ngược tới thời điểm bị siết, hàng loạt quy định mang tính quản lý thị trường BĐS lần lượt ra đời, chủ đầu tư đẩy nhanh tốc độ triển khai dự án. Vì thế, đô thị Hà Nội cũng trở thành một đại công trường với các tổ hợp dự án từ bình dân tới cao cấp.
2 năm trước đây, nhiều ý kiến cho rằng chỉ cần dự án không chậm tiến độ hay “đắp chiếu” vì bất cứ lý do gì, thì chủ đầu tư hoàn toàn có thể thuyết phục được khách hàng. Nhưng hiện nay, ba – rem chấm điểm chủ đầu tư (thông qua dự án) đã được nâng lên theo hướng thay đổi diện mạo đô thị một khu vực, xoay chuyển cán cân thanh khoản giữa các phân khúc hay thậm chí có khả năng dẫn dắt thị trường.
BĐS cao cấp không còn thế độc tôn
Vài năm trở lại đây, khi ngành BĐS thoát đáy trầm lắng, phân khúc nhà ở cao cấp ghi nhận lác đác vài thương hiệu được định vị thông qua các dự án điển hình.
Chẳng hạn, tại Hà Nội, Vingroup với KĐT Times City, Royal City; công ty TNHH Hòa Bình với Hòa Bình Green 505 Minh Khai, Hòa Bình Green đường Bưởi; Vihajico nổi danh bằng dự án xanh EcoPark (Văn Giang);…
Hiện tại, thị trường cao cấp chứng kiến thêm sự gia nhập mạnh mẽ của các thương hiệu "khủng" (về chuyên môn, tài chính lẫn tham vọng) như Tập đoàn Hòa Phát với Mandarin Garden, GP Invest (Nam Đô Complex Trương Định; công ty CP Đầu tư Hoàng Thành (Mulberry Land, Hoàng Thành Tower); Tràng An (Complex Phùng Chí Kiên), Văn Phú Invest (Home City 177 Trung Kính).
Chuẩn bị từ những năm 2010 – 2013, hiện tập đoàn FLC đã bứt lên tốp đầu các chủ đầu tư đủ sức gây ảnh hưởng mạnh tới thị trường tiêu dùng lẫn định hướng kinh doanh của giới đầu cơ. Sau FLC Landmark Tower Lê Đức Thọ, các dự án như FLC Hà Đông, FLC Twin Tower, của ông lớn này đang thu hút khá đông nhà đầu tư lẫn khách hàng có tiền trên địa bàn Thủ đô.
Ngang tầm với FLC là TNR Holdings, tiếp đó là những đối thủ cũng nặng ký không kém như Tân Hoàng Minh hay Việt Hưng, Hải Phát,Thủ đô Invest.
Tỏ ra vượt trội trong làng địa ốc, Vingroup thậm chí đã có thời điểm được lấy làm chuẩn so sánh với phần còn lại của thị trường. Tuy nhiên, thế độc tôn (về uy tín, thương hiệu) này dường như dần bị phá vỡ bởi những doanh nghiệp mới trỗi dậy. Bên cạnh FLC với 4 dự án đang đẩy mạnh triển khai và bán hàng, thì còn có TNR Holdings đang gây “sốt” bằng Goldmark City (9 tòa nhà cao 40 tầng), Goldseason Nguyễn Tuân, Goldsilk Complex (750 căn hộ); công ty CP HDI Sunrise – CenGroup với The Golden Palm Lê Văn Lương; Thủ đô Invest (Ecolife Capitol Tố Hữu); địa ốc Hải Đăng có HD Mon City;…
Trong số các dự án cao cấp thuộc top đầu tại thị phần Hà Nội, hai dự án The Golden Palm Lê Văn Lương và Green Pearl Minh Khai (hạng mục chung cư) đặc biệt hút các nhà đầu tư chuyên nghiệp lẫn giới thạo tin săn đón suốt thời gian trước khi dự án được công bố chính thức.
Bên cạnh đó, cũng cần nhắc tới một vài dự án “triệu đô” của Tân Hoàng Minh dự báo sẽ trở lại thị trường, khi mới đây bầu Hiển của SHB đã mở hầu bao để hồi sinh các dự án nằm tại vị trí vàng trên địa bàn Thủ đô.
Trung cấp, bình dân cạnh tranh gay gắt
Trái lại với những căn hộ siêu sang, tổ hợp cao cấp, được các ông chủ giàu tài chính phát triển, hàng loạt các công trình nhà ở trung cấp đang đua nhau ra đời.
Chỉ xét các doanh nghiệp coi hoạt động xây dựng – BĐS làm chìa khóa phát triển, Tập đoàn Mường Thanh là đơn vị mở ra làn sóng xây nhà giá rẻ ở Hà Nội. Đơn vị này chiếm giữ vị trí độc tôn trong 2-3 năm nhờ hàng loạt block chung cư bình dân và hàng nghìn căn hộ giá thấp.
Nhưng giờ đây Mường Thanh không còn độc bước trên thị phần "béo bở" bởi chính những méo mó về mua bán chênh suất căn hộ, chất lượng hạng mục trong công trình hậu bàn giao hay mới đây là liên tiếp sự cố hỏa hoạn tìm tới công trình dự án của “đại gia điếu cày”.
Cùng thời gian doanh nghiệp của ông Thản gặp khó khăn, Geleximco của “ông lớn” Vũ Văn Tiền đốt nóng cả thị trường nhà ở giá rẻ bằng tổ hợp chung cư tại KĐT Thành phố Giao lưu. Dự án Gemek Premium của doanh nghiệp này tại KĐT Lê Trọng Tấn (Hà Đông) cũng tỏ ra rất đắt khách với mức giá và mức độ hậu mãi kèm hỗ trợ tài chính mua nhà hấp dẫn.
Ở sân chơi trung cấp, dự án EcoGreen City của BĐS Việt Hưng tại gần nút giao Nguyễn Xiển – Nguyễn Trãi được nhắc tới khá nhiều. Là một tên tuổi còn lạ lẫm với giới làm nghề, phía sau BĐS Việt Hưng lại là người khổng lồ Him Lam, cũng như bộ khung Liên Việt Bank và nhà thầu bê tông Xuân Mai nổi tiếng với chất lượng xây dựng “nồi đồng cối đá”. Bên cạnh đó, tổ hợp hai tòa nhà Xuân Mai Spark Tower tại Dương Nội cũng trực tiếp khẳng định thành công ban đầu của Việt Hưng ở phân khúc giá rẻ.
Một số trường hợp dự án được dư luận chú ý, điển hình như Taseco Complex, Hateco Hoàng Mai, Mễ Trì Plaza hay thậm chí Packexim 2 (quận Tây Hồ). Những dự án này đa phần được gây dựng bởi những thương hiệu mới nổi, điều này báo hiệu sự cạnh tranh theo diện rộng ở phân khúc trung cấp lẫn bình dân.
Theo Thời báo kinh doanh
Bình luận
Để lại bình luận